Bóc mác “xa hoa, sang chảnh” đi, du học Nhật tự túc thực chất là thế nào?

Du học Nhật Bản là lựa chọn phổ biến và thu hút du học sinh Việt nhất trong vài năm gần đây. Xu hướng này vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt, bất chấp điều kiện du học Nhật Bản tự túc ngày càng khắt khe, kể cả sau “cú sốc” chính phủ Nhật Bản thắt chặt quy định nhập cảnh của du học sinh thuộc 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhiều người lầm tưởng đi du học Nhật là sướng lắm, cuộc sống bên Nhật thật sang chảnh, nhất là qua những câu chuyện về các hotgirl du học Nhật Bản được vẽ ra trên mặt báo…Nhưng lột lớp mặt nạ hào nhoáng, sang chảnh ấy xuống, khi tấm màn sự thật được vén lên, du học Nhật Bản tự túc có “hình dáng” thực sự thế nào? Đọc những tâm sự và trải nghiệm thực tế của một du học sinh Nhật trong bài viết dưới đây để có câu trả lời cho riêng mình nhé!

“Với tôi, du học Nhật tự túc là sáng học, chiều đi rửa bát thuê cho một quán ăn, lương 700 yên/h thì tiền học 1 tiếng là nhẵn rồi. Mỗi lần đến kỳ đóng tiền thì vay mượn các kiểu để chứng minh tài chính rồi đóng học phí đến sấp cả mặt, cứ vay rồi làm tháng sau trả, quay vòng vòng không biết bao giờ mới hết…

Nhật Bản – phải, chỉ 2 từ thôi nhưng có sức hút thật mãnh liệt với hàng triệu người Việt, nhất là những cô gái trẻ. Chỉ nhắc đến thôi là một loạt những hình ảnh tươi đẹp long lanh hiện ra trước mắt, với dàn trai xinh gái đẹp không tì vết, đường phố náo nhiệt đông vui, chỗ nào cũng lung linh xinh xắn, sạch sẽ từng milimet, và một anh người yêu trong mơ hoàn hảo vừa lãng mạn vừa galant biết chiều đúng chuẩn như trong phim mà chúng ta mê mệt.

Thế nhưng, đặt chân xuống xứ sở hoa anh đào rồi, trải nghiệm cuộc sống thực tế ở đó, nhiều bạn trẻ nhận ra mình đã lầm. Không ít du học sinh Việt tại Nhật phải thốt lên rằng họ vỡ mộng rất nhiều. Áp lực cuộc sống, học hành khiến họ hiểu rằng mơ mộng không thể mài ra ăn được, giống như “tự thú” của Tuyết Nhung, một cô gái đang học tập tại Nhật Bản.

“Tôi du học Nhật Bản tự túc, những đứa bạn tôi nói riêng và mấy đứa không đi du học nói chung, chúng nó định nghĩa du học Nhật là được đến một đất nước đẹp như trong phim và toàn nam thanh nữ tú như diễn viên, được gặp các thần tượng mà chúng nó mơ ước… Là đi làm thêm được rất nhiều tiền… Là có một cuộc sống sang chảnh vân vân và mây mây. Để khi đăng 1 cái status là còn xx ngày nữa là được về rồi thì ôi thôi, chờ mòn răng chẳng có ai bảo nhớ thương mình hay là “có ai đón chưa, tao ra đón nhá”, mà thay vào đó là “nhớ mua quà cho tao đấy”, “không có quà thì đừng về”, “mày bảo mua gì cho tao đừng có quên nha”… Vậy đấy!

Với tôi, du học tự túc là sáng học, chiều đi rửa bát thuê cho 1 quán ăn, lương 3 cọc thì tiền học 1 tiếng là hết rồi. Mỗi lần đến kỳ đóng tiền thì vay mượn các kiểu để chứng minh tài chính du học nhật bản rồi đóng học phí đến sấp cả mặt, cứ vay rồi làm tháng sau trả, quay vòng vòng không biết bao giờ mới hết nợ. Thế mà chúng bạn ở nhà vẫn nghĩ mình giàu lắm, đi làm về mệt chỉ kịp tắm rửa ăn uống rồi ngủ, bài vở có khi chả thèm động đến, mà sáng đến lớp vẫn gà gật, cô giáo còn bảo học hay không không quan trọng, chỉ cần đến lớp thôi là được.

Cuối tuần là thời gian duy nhất không phải đến trường thì tôi làm thêm từ sáng, sang đông có hôm tuyết rơi, lạnh căm vẫn phải mò dậy đi làm trong khi đứa cùng phòng nó vẫn đang yên giấc, cảm giác đấy thật sự chán nản lắm. Chủ quán hỏi tôi là có muốn ra chạy bàn cho nhàn hơn không chứ rửa bát mệt lắm, tôi lắc đầu ngay bảo không thích, phần vì lương của tôi bây giờ cao hơn lương chạy bàn, phần vì đã làm công việc này 4-5 tháng rồi, dù lúc đông khách mệt kinh khủng, áp lực lắm, nhưng nghĩ thấy mình gắn bó được với nó mấy tháng trời rồi bỏ đi lại tiếc. Vâng, 1 đứa rửa bát yêu nghề đấy ạ. Nói chung du học tự túc có nhiều cái hay, nhưng bù lại cũng mệt mỏi vất vả lắm, ai chuẩn bị đi thì cứ suy nghĩ cho kỹ không lại hối hận”.

Có lần, buồn và nhớ nhà quá, Tuyết Nhung đã kể một phần sự vỡ mộng của mình cho những người xa lạ trên mạng xã hội nghe, và tâm sự ngắn ngủi của nữ sinh “yêu nghề rửa bát” đã khiến cư dân mạng được phen ồn ào ngạc nhiên. Hóa ra, đi học đi làm bên Nhật không hề sung sướng như trong tưởng tượng của nhiều người.

Một nữ sinh khác cũng đang học ở Nhật Bản tỏ ra đồng cảm: “Em mới sang Nhật được nửa năm, cảm nhận giống y chị này. Ai cũng bảo mình sướng này nọ, ban đầu chính em cũng háo hức lắm, đi học đi làm rồi mới thấy đời không như là mơ”.

Một người dùng mạng khác thở dài: “Mình cũng là du học sinh nhưng ở Nhật đây ạ. Lịch đi làm đi học kín mít, chỗ nào cũng lăn ra ngủ gật được. Đấy là còn có bát để mà rửa, bạn mình đầy đứa nợ nần chồng chất, chán nản vì thất nghiệp, đi học cũng chả được chữ nào vào đầu vì thấy tương lai mù mịt, còn chẳng có tiền mua vé về nhà”.

Còn vô số bình luận tâm sự khác nữa từ hội du học sinh Nhật, những gì họ chia sẻ khiến dân tình được mở mang tầm mắt, nhất là các cô gái trẻ đã bớt mơ mộng hơn, bởi sự thật chính là cây kim sắc bén nhất để phá vỡ những bong bóng hão huyền. Nhật Bản xinh đẹp thật đấy, nhưng truyện tranh, phim ảnh còn có mơ mộng và thất vọng thì đời thực cũng có chứ.

Không đến nỗi buồn bã như cô gái ở trên, song Huyền Anh (25 tuổi), một du học sinh Việt đang sống tại Osaka, từ ngày sang xứ phù tang đóng cái mác “du học Nhật”, cũng có nhiều tâm sự chất chứa bởi thực tế không như mọi người vẫn hay đồn đại, vẽ vời như trên phim.

“Mình không mơ mộng gì khi chuẩn bị sang đây, nên không vỡ cái gì hết (cười), nhưng cũng thấy nhiều cái khác so với những gì từng thấy trên phim ảnh, video ca nhạc. Mọi thứ đều sạch đẹp, chỉ có điều người Nhật đi ngoài đường trông ai cũng hao hao như nhau, họ rất chú trọng ngoại hình nên trang điểm ăn mặc xinh tươi sáng sủa lắm, song mặt mũi không có nét riêng. Giới trẻ Nhật cũng không thân thiện cởi mở lắm đâu, chỉ có người lớn tuổi là nhiệt tình thôi.

Sinh viên như mình thì trừ hội có học bổng và hội con nhà giàu ra, thì ai cũng đi làm thêm hết. Đủ loại công việc luôn, chạy bàn, rửa bát thuê, dọn dẹp, phụ bếp… Vừa học vừa làm nên khá vất vả, về đến chỗ ở là chỉ ngủ và ngủ. Thi thoảng mới có thời gian rủ nhau đi thăm thú đây đó, ngắm cảnh thiên nhiên, chỉ thấy sướng mỗi lúc đó thôi. Ngoài ra thì nghĩ ngợi bố mẹ ở nhà làm lụng gửi tiền học sang, nhớ gia đình bạn bè, mỗi lần về nước mua vé máy bay đắt, xót lắm”.

Học phí ở đây 1 năm trung bình khoảng hơn 100 triệu nếu không có học bổng, so với các trường ĐH ở Việt Nam thì như… trường quý tộc vậy. Thế nên, người Việt sang đây dù đi học hay đi làm thì cũng đều chăm chỉ làm thêm để có đủ tiền trang trải tất cả chi phí, thậm chí là tiết kiệm để gửi về nhà cho người thân trả nợ. Dù họ có kể chuyện hóm hỉnh đến đâu, thì đằng sau nụ cười ấy là nỗi lòng đắng chát vì nỗi lo cơm áo nơi đất khách quê người, và nỗi buồn vì bị gắn cái mác “du học sinh thì ai cũng giàu”.

(Nguồn: Internet)

Du học Nhật không hoàn toàn một màu hồng cho mộng mơ, sang chảnh và những thú hưởng thụ, vui chơi. Đi du học là để rèn giũa con người bên cạnh việc tiếp thu tri thức ở một đất nước nước có chất lượng giáo dục thuộc top đầu thế giới. Khoan hãy nói thêm về mặt tối, chỉ nội việc bạn vượt qua được những khó khăn, thử thách trên hành trình du học của mình, bạn đã lớn lên và thay đổi rất nhiều – điều mà môi trường học an toàn trong nước không đem lại cho bạn.

Thang Long OSC đang tuyển sinh du học Nhật Bản 2018, nếu bạn chưa bị những khó khăn của cuộc sống du học dọa cho nhụt chí, hãy mạnh dạn đăng ký để nắm lấy giấc mơ của mình. Để lại số điện thoại ở cuối bài viết này để đội ngũ chuyên viên của Thang Long OSC tư vấn hoàn toàn miễn phí nhé!

© 2017 NAMCHAUIMS. Thiết kế Website bởi THANGLONG OSC.